Sau thời gian dài sử dụng, rất nhiều căn chung cư bị xuống cấp và thấm dột. Đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh. Từ đó ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Để khắc phục, bạn có thể tham khảo cách chống thấm nhà vệ sinh chung cư cũ sau đây.
Cấu trúc nhà vệ sinh chung cư thường có hai dạng. Một là sàn dương với hệ thống các đường ống sẽ đi xuyên sàn. Hai là sàn âm với đường ống nổi, xuyên vào trong hộp kỹ thuật.
1. Chống thấm nhà vệ sinh sàn dương
Do đặc điểm thiết kế xếp chồng. Nên sàn nhà vệ sinh của căn hộ này sẽ là trần của căn hộ khác. Nên khi xử lý chống thấm không tốt sẽ gây ảnh hưởng ra diện rộng.
Nguyên nhân thấm dột nhà vệ sinh ở căn chung cư cũ thường do nhà thầu thi công chống thấm không đảm bảo kỹ thuật. Trải qua quá trình sử dụng, các vật liệu dần bị lão hóa, xuống cấp. Tạo điều kiện cho nước thấm sâu vào bên trong. Vị trí thấm dột nhà vệ sinh thường bắt nguồn từ vị trí ống thoát nước sàn, vết rạn ở chân tường, ở hộp kỹ thuật…
Quy trình chống thấm nhà vệ sinh sàn dương sẽ gồm các bước sau:
– Bước 1: Chuẩn bị vật liệu:
+ Màng đàn hồi xi măng Polymer hai thành phần với độ đàn hồi tốt.
+ Vật liệu chống thấm Water Seal DPC dạng tinh thể. Với khả năng thẩm thấu tốt, Sika Latex TH và vữa rót không có ngót.
+ Lưới thủy tinh Fiber Glass nhằm giúp gia cố và chống tình trạng co nứt của góc chân tường.
+ Máy mài, búa rìu sắt, máy thổi bụi, chổi quét, máy phun…
– Bước 2: Chuẩn bị bề mặt thi công
Đây là bước quan trọng, quyết định đến hiệu quả, chất lượng, độ bền chống thấm của nhà vệ sinh.
+ Chúng ta sử dụng búa rìu sắt để băm chặt đi các mảng vữa thừa. Sau đó dùng chổi sắt đánh sạch và tạo độ ma sát cho bề mặt.
+ Sử dụng máy thổi bụi để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, mảng vữa thừa trên bề mặt.
+ Với những chỗ lỗ rỗ, túi đá hay hốc bọng thì phải được xử lý cẩn thận. Chúng ta cần đục rộng và sâu tại những vị trí đó. Đục đi các phần bám hờ cho đến khi thấy phần bê tông đặc chắc. Rồi dùng vữa có trộn thêm phụ gia kết nối để trám vá lại. Nếu vết nứt lớn thì cần dùng keo Polyurethane chuyên dụng để trám bít.
+ Phun tạo ẩm cho bề mặt bằng nước sạch.
– Bước 3:
+ Với vị trí các miệng cổ ống thì đục tẩy hình miệng loa, rồi dùng nước để rửa sạch.
+ Chèn kín cổ ống lại. Trộn Sika Latex TH với xi măng và nước sạch theo tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì rồi quét lên miệng ống và ống.
+ Trộn vữa rót không co ngót cùng nước sạch rồi đổ vào cổ ống. Cổ ống cần được bảo dưỡng bằng nước sạch để tránh tình trạng nứt.
– Bước 4:
Sử dụng xi măng và cát để trát bo dốc sàn bê tông và dốc chân tường. Với những sàn lấy cốt gạch thì không cần phải trát dốc quá, lúc đó chúng ta chỉ cần làm cho tường và sàn phẳng để khi đặt lưới gia cố không bị gồ ghề.
– Bước 5:
+ Sử dụng Sika Latex TH trộn cùng xi măng và nước để quét lót toàn bộ vị trí chân tường.
+ Đo và cắt lưới thủy tinh Fiber Glass rồi dán cố định lên các chân tường và vị trí góc cạnh của sàn.
– Bước 6:
+ Sử dụng Water Seal DPC để phun lên toàn bộ bề mặt chân tường và sàn theo định mức 0.5 lít/m2. Vật liệu Water Seal DPC sẽ thẩm thấu vào sâu bên trong, tạo ra phản ứng Silic để giúp lấp đầy các mao rỗng bê tông, khiến khối bê tông đặc chắc và bền hơn, đồng thời có tác dụng chống thấm rất hiệu quả.
– Bước 7:
+ Trộn màng xi măng hai thành phần theo hướng dẫn để có được hỗn hợp đồng nhất.
+ Quét hỗn hợp trên lên toàn bộ bề mặt của chân tường với độ cao từ 30 – 50cm, và sàn bê tông. Sau từ 2 – 3 giờ đồng hồ lớp thứ nhất khô thì quét lớp thứ hai, lớp sau nên quét vuông góc lớp thứ nhất, và định mức thi công cần đảm bảo từ 1.8 – 2kg/m2/ 2 lớp để có độ dày là 1 – 1.2mm.
– Bước 8:
Sau từ 24 – 48 giờ đồng hồ chúng ta tiến hành ngâm thử nước trong 24 giờ rồi nghiệm thu. Sau khi nghiệm thu xong thì tiến hành láng lớp vữa bảo vệ.
Với sàn nhà vệ sinh âm có hệ thống đường ống được đi nổi và xuyên hộp kỹ thuật nên thi công chống thấm thường phức tạp hơn so với thi công ở sàn dương. Khi thực hiện, đội thợ cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và làm cẩn thận. Chỉ cần chút sai sót thì việc sửa chữa sẽ rất phức tạp và mất công.
Về cơ bản quy trình và vật liệu chống thấm nhà vệ sinh sàn âm của các chung cư cũ cũng gần tương tự như khi chống thấm ở sàn dương, tuy nhiên sẽ có sự khác biệt.
– Bước 1: Chuẩn bị vật liệu:
+ Màng đàn hồi xi măng Polymer hai thành phần với độ đàn hồi tốt.
+ Vữa rót không co ngót.
+ Lưới thủy tinh Fiber Glass nhằm giúp gia cố và chống tình trạng co nứt của góc chân tường.
+ Keo để quét lót và giúp kết nối SBR.
+ Các dụng cụ sử dụng như búa rìu sắt, máy thổi bụi, chổi quét, máy mài…
– Bước 2: Chuẩn bị bề mặt thi công
Chất lượng bề mặt thi công sẽ quyết định tới độ bám dính của vật liệu cũng như chất lượng và hiệu quả chống thấm. Bề mặt đạt yêu cầu là phải sạch và phẳng.
+ Chúng ta dùng máy mài hay chổi sắt để làm sạch và tạo ma sát cho bề mặt cần thi công.
+ Sử dụng búa băm để loại bỏ đi các mảng vữa thừa và tạp chất trên bề mặt.
+ Với các vị trí như các lỗ rỗ hay hốc bọng… cần phải được loại bỏ đi các mảng bám hờ, và đục sâu rộng cho đến khi thấy phần bê tông rắn chắc. Sau đó chúng ta sử dụng vữa sửa chữa trộn cùng phụ gia để trám bít lại, hoặc dùng keo Epoxy hai thành phần để bơm gia cố.
+ Dùng nước sạch để làm ẩm bề mặt trước khi thi công chống thấm.
– Bước 3:
+ Những phần cổ ống xuyên hộp kỹ thuật phải được vệ sinh sạch, rồi ghép kín.
+ Sử dụng vữa rót không co ngót để rót vào tất cả cổ ống xuyên hộp kỹ thuật.
– Bước 4:
Sử dụng hóa chất có tác dụng tạo màng gốc xi măng để quét lót cho toàn bộ chân tường, vị trí tiếp xúc giữa tường gạch và sàn.
– Bước 5:
Đo và cắt lưới thủy tinh Fiber Glass rồi dán lên các vị trí góc cạnh sàn cùng chân tường mà đã được quét lót hóa chất trước đó. Sử dụng chổi để miết cho đều và chặt.
– Bước 6:
Chuẩn bị thùng sạch, cho thành phần A (phần lỏng) của xi măng hai thành phần vào. Rồi sử dụng máy khoan tay gắn lưỡi trộn phù hợp và để tốc độ 600 vòng/phút chạy rồi đổ từ từ thành phần B vào. Trộn tầm 3 phút để tạo nên hỗn hợp đồng nhất.
– Bước 7:
+ Sử dụng hỗn hợp trên rồi quét lên tất cả bề mặt chân tường với độ cao từ 30 – 50cm và bề mặt sàn.
+ Sau từ 2 – 3 giờ đồng hồ khi lớp quét thứ nhất đã se khô thì quét tiếp lớp thứ hai. Lớp này cần quét vuông góc với lớp thứ nhất để tránh hiện tượng có lỗ bọt khí. Định mức thi công hai lớp cần phải đảm bảo từ 1.8 – 2kg/m2/ 2 lớp, và độ dày màng sẽ đạt từ 1 – 1.2mm.
– Bước 8:
Khi thi công chống thấm xong, sau từ 24 – 48 giờ đồng hồ các lớp chống thấm đã khô. Thì chúng ta cho ngâm thử nước. Thời gian ngâm thử phải đạt ít nhất là 24 giờ, nếu có vấn đề gì cần kịp thời sửa chữa khắc phục. Khi kết quả đã đạt như mong muốn thì chúng ta nghiệm thu, rồi láng vữa bảo vệ chống thấm.
Chống thấm cho sàn âm nhà vệ sinh chung cư cũ sẽ phức tạp hơn so với sàn dương, do đó gia chủ nên chọn các đội thợ thi công có tay nghề và kỹ thuật tốt.
Bên cạnh đó gia chủ nên chọn mua và sử dụng vật liệu chống thấm từ các nhà phân phối, cửa hàng hay công ty uy tín để đảm bảo chất lượng.